Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT CƠ BẢN GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT PHƯƠNG ĐÔNG, PHƯƠNG TÂY CỔ ĐẠI



Nguyễn Minh Tuấn

Một nội dung quan trọng của Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới là vấn đề Lịch sử nhà nước và pháp luật Phương Đông và Phương Tây thời cổ đại. Đây là một giai đoạn hình thành những nhà nước, những sản phẩm pháp điển hóa đầu tiên, mà hình thức cũng như nội dung của chúng ảnh hưởng lớn đến thời trung đại và cận, hiện đại sau này trong một chiều dài lịch sử phát triển. Vấn đề quan trọng là sau khi nghiên cứu từng nhà nước điển hình ở hai khu vực này, sinh viên phải chỉ ra được những đặc điểm cơ bản, những điểm giống và khác, cũng như cơ sở tạo nên sự tương đồng và khác biệt ấy dưới góc nhìn của nhà luật học. Phần tổng hợp dưới đây chỉ dừng lại ở mức nêu vấn đề để những bạn sinh viên quan tâm khi có điều kiện tiếp tục cùng tìm hiểu, nghiên cứu chứ không làm thay những gì các bạn phải làm. Chớ vội "copy + paste" các nội dung này rồi nhân bản thành các bài tiểu luận hoặc bài kiểm tra na ná giống nhau, điều này là vô ích vì những vấn đề chính cần phải giải thích làm rõ, tác giả về cơ bản đã không/ chưa giải đáp mà nêu thành câu hỏi, để trong dấu ngoặc vuông, chữ màu xanh. Hi vọng những câu hỏi này phần nào sẽ kích thích các bạn sinh viên tư duy,  thậm chí phản biện lại và rút ra những cơ sở lý luận cũng như những bài học kinh nghiệm cho hiện tại.

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

PHÂN QUYỀN Ở CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC


Nguyễn Minh Tuấn

Sau mỗi buổi nghe giảng những bài giảng của GS trực tiếp hướng dẫn, tôi hay dành thời gian cuối buổi ở lại để được hỏi và trao đổi với GS về những vấn đề mình quan tâm hoặc còn băn khoăn, thắc mắc.

Bài giảng mà GS lần này trình bày là về vấn đề cũ, nhưng lại luôn mới vì tính thời sự của nó "Vấn đề áp dụng học thuyết phân quyền ở nhà nước CHLB Đức". Sau khi nghe giảng, tôi đã đặt ra hai câu hỏi như sau:

Câu hỏi 1. "Tôi thấy giữa nguyên tắc phân quyền (Gewaltenteilung) và đặc trưng của chính thể đại nghị (parlamentarisches Regierungssystem) ở Đức có một sự mâu thuẫn. Cụ thể như GS vừa trình bày, phân quyền là phân công về chức năng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên  trong chính thể đại nghị ở Đức, hoạt động lập pháp không chỉ là việc của Nghị viện, trên thực tế, Chính phủ có tác động rất lớn vào hoạt động lập pháp. Bằng chứng là Chính phủ có quyền trình dự án luật (Gesetzinitiativrecht theo điều 76, khoản 1 Luật cơ bản [viết tắt: LCB]) và quyền ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn (Rechtsverordnungen theo Điều 80 LCB). Thủ tướng do Hạ viện bầu ra  (Điều 63 LCB) và trong suốt nhiệm kỳ phải đạt được tín nhiệm của đa số các thành viên Hạ viện (Điều 67, 68 LCB). Quan hệ ràng buộc, tác động thường xuyên qua lại như vậy thì đâu còn là phân quyền. Tôi hiểu như vậy có đúng không và GS nghĩ sao về vấn đề này?"

Câu hỏi 2. "GS có nói không có phân chia quyền lực thì không có tự do, không có hiến pháp và cũng không có nhà nước pháp quyền. Tôi rất quan tâm về vấn đề này, GS có thể chia sẻ rõ hơn được không?" 

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

LUẬT 12 BẢNG

Giới thiệu và dịch sang Tiếng Việt: Nguyễn Minh Tuấn

Luật 12 bảng (Lex duodecim tabularum) ra đời ở thời kỳ đầu của nền cộng hoà La Mã (hay còn gọi là sơ kỳ của nền cộng hòa). Bộ luật này được khắc trên 12 bảng đồng đặt ở quảng trường La Mã, nên Bộ luật này được gọi tắt là "Luật 12 bảng".
Do phong trào đấu tranh của bình dân và chủ nô công thương chống lại sự vận dụng tuỳ tiện tập quán trong tư pháp vì lợi ích riêng, năm 450 TCN, sau một năm làm việc, Uỷ ban biên soạn pháp luật gồm 5 quí tộc và 5 bình dân đã soạn Bộ luật này. Ủy ban đã thống nhất: ”Một đạo luật được ban hành thì phải được áp dụng chung với tất cả mọi người, chứ không phải một cá nhân cụ thể nào”. Đây là tư tưởng tiến bộ về sự bình đẳng pháp luật (aequum ius) từ các tác giả của Luật 12 bảng. (Xem: Stephan Meder, Rechts-geschichte, 2. Auflage, 2005, S. 13; Mathias Smoeckel, Stefan Stolte, Examinatorium Rechts-geschichte, 1. Auflage, 2008, S. 8f.).
Nghiên cứu luật 12 bảng, chúng ta sẽ phần nào hiểu được đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người La Mã cổ đại. Hình thức và nội dung của bản pháp điển hóa này có ảnh hưởng từ pháp luật Hy Lạp cổ đại. Trên phương diện pháp lý, vượt ra khỏi tính giai cấp, Luật 12 bảng có nhiều giá trị, đặc biệt nhất là đã tạo dựng được nền tảng dân luật cổ (alten ius civile). Về nội dung, Luật 12 bảng chứa đựng nhiều qui phạm tiến bộ về tố tụng, về luật tư và luật hình sự. 
Bản gốc của Luật 12 bảng này đã bị thất truyền khi thành La Mã bị phá hủy vào năm 390 SCN. Những gì chúng ta có được ngày nay chỉ là những cứ liệu được ghi chép hoặc trích dẫn lại từ những cuốn sách cổ được viết bởi những tác giả La Mã bằng Tiếng La tinh.
Dưới đây xin trân trọng giới thiệu BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT LUẬT 12 BẢNG đến bạn đọc, đặc biệt là các bạn sinh viên Luật.
Bản dịch Luật 12 bảng dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do sự bất định và đa nghĩa của ngôn ngữ, cùng với nhiều từ cổ trong Luật, nên mặc dù đã cố gắng, đã trao đổi với cả những đồng nghiệp am hiểu về Tiếng La tinh, nhưng chắc chắn bản dịch dưới đây chưa thể hoàn thiện và không tránh khỏi những sai sót. Bản dịch này và các bản dịch Luật cổ khác sẽ dần được  giới thiệu, chỉnh sửa và hoàn thiện theo thời gian. Tác giả bản dịch rất mong nhận được các ý kiến đóng góp thiện chí. Tương ứng với mỗi qui phạm, tác giả đều trích dẫn kèm theo nguồn gốc bằng cả Tiếng La tinh, Tiếng Anh và Tiếng Đức để bạn đọc tiện đối chiếu khi có điều kiện. Qua đây, chính từ những nội dung của Luật 12 Bảng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ như: Kỹ thuật lập pháp thể hiện trong Luật 12 bảng và Luật La Mã thời cổ đại; nghiên cứu có tính liên ngành tìm hiểu về thực tiễn áp dụng pháp luật thời La Mã cổ đại; Vấn đề cơ sở kế thừa Luật La Mã trong Luật dân sự hiện đại ở các nước Tây Âu qua từng chế định cụ thể [...].
Nguồn:
Bản gốc Tiếng La tinh: Từ Thư viện trực tuyến Bibliotheca Augustana
Các bản dịch:
1.  Tiếng Anh: Warmington, Remains of Old Latin, Vol. III Lucilius, The Twelve Tables, 1967
2. Tiếng Đức: R. Düll, Das Zwölftafelgesetz, Texte, Übersetzungen und Erläuterungen, 7. Auflage, 1995; 

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

HÀ NỘI MỘT NGÀN NĂM - NGHĨ VỀ SỰ ĐỒNG THUẬN


Nguyễn Minh Tuấn

Một ngàn năm trước, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư (kinh đô của nước Đại Cồ Việt) về Đại La với mong muốn tính kế muôn đời cho con cháu.
Một ngàn năm trước, nhà Lý đã mở đầu kỷ nguyên văn minh Đại Việt, tạo dựng nền tảng của chính quyền "khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc" (thời Lý - Trần) tồn tại gần bốn thế kỷ. Vì đâu mà một dân tộc đất không rộng, người không đông lại có thể ba lần dành chiến thắng trước một đội quân thiện chiến tầm cỡ thế giới như quân Nguyên Mông - một đội quân đã chiếm gần hết Châu Âu và vùng Trung Cận Đông, san bằng thành trì nước Tống và đô hộ toàn bộ nước Trung Quốc xưa? Sau này, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tổng kết, lý giải rằng ta thắng được giặc, giữ vững được bờ cõi là bởi lòng dân - “do trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước cùng góp sức”.

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

100% TIẾN SĨ VÀ SĨ DIỆN CỦA NGƯỜI LÀM TIẾN SĨ Ở MỸ KHÔNG BIẾT TIẾNG ANH

Nguyễn Minh Tuấn

Dư luận chưa hết phản cảm, bức xúc về việc Hà Nội đặt chỉ tiêu 100% cán bộ cấp thành ủy quản lý đến năm 2020 phải có bằng Tiến sĩ, thì gần đây lại phát hiện ra việc một cán bộ có tên là Nguyễn Ngọc Ân lấy được bằng Tiến sĩ ở Mỹ mà không cần biết tiếng Anh. Từ một cử nhân tốt nghiệp tại chức kinh tế- quốc dân đặt tại Phú Thọ, vị này đã bỏ ra số tiền 17.000 USD để có được bằng Tiến sĩ. Trong thời gian làm TS (từ tháng 2-2007 đến tháng 9-2009), ông sang trường ĐH này học chỉ có hai đợt, mỗi đợt một tuần để nghe giảng tiếng Anh (nhưng có người phiên dịch sang tiếng Việt). Khi bảo vệ luận án, cũng có người phiên dịch cho ông từ đầu đến cuối. Ông đã cho biết rằng Trường Đại học Nam Thái Bình Dương không đặt điều kiện những nghiên cứu sinh như ông phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào, mà chỉ cần gửi đề cương sang để nhà trường chỉnh sửa.

Từ thực tế trên, có hai câu hỏi cần đặt ra để bàn luận: I) Khi giá trị của bằng cấp bị hiểu sai sẽ dẫn đến hệ quả, tác hại gì cho xã hội? và II) Tiến sĩ là ai và thực chất học Tiến sĩ để làm gì?

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

VÀI NÉT VỀ ĐÀO TẠO TÍN CHỈ NGÀNH LUẬT (QUA VÍ DỤ ĐẠI HỌC SAARLAND, CHLB ĐỨC)


Nguyễn Minh Tuấn

Điều 5 khoản 3 câu 1 Luật cơ bản của Đức qui định: “Khoa học, giảng dạy và nghiên cứu là tự do”. Qui định quyền tự do về khoa học (die Wissenschaftsfreiheit) là quyền hiến định, một quyền tự vệ của cá nhân (Abwehrrecht) chống lại sự can thiệp từ phía nhà nước trong lĩnh vực khoa học, đồng thời là cơ sở bảo vệ sự tự chủ của các trường đại học (Hochschulautonomie). Quyền tự do về khoa học được đặt trong hệ thống các quyền tự do khác là các quyền tự do về tư tưởng (Meinungsfreiheit), tự do báo chí (Pressefreiheit) và tự do về nghệ thuật (Freiheit der Kunst) được qui định chung tại Điều 5 của Luật này.
 
Từ qui định cụ thể đến thực tế tổ chức giảng dạy, học tập và qui trình đào tạo đại học theo tín chỉ ở Đức đều phải dựa trên cơ sở của Điều 5 khoản 3 câu 1 Luật cơ bản theo nguyên tắc: TÔN TRỌNG TỰ DO TRONG KHOA HỌC. Bản chất của đào tạo tín chỉ cũng là hoạt động tổ chức nhằm hiện thực hóa quyền tự do trong khoa học của các chủ thể hoạt động khoa học là các giáo sư, người nghiên cứu và học viên.

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

GIẤC MƠ ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ



Nguyễn Minh Tuấn

Bộ giáo dục và đào tạo Việt nam đặt mục tiêu 10 năm nữa sẽ có trường Đại học lọt vào top 200 các trường hàng đầu thế giới. Quả là một tham vọng lớn. Có tham vọng và phấn đấu hết mình cho những ước mơ để đi đến thành công là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên cứ đặt ra tham vọng, nhưng không hiểu mình đang đứng ở đâu, thì tham vọng sẽ chỉ là mơ mộng.

Trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt giữa các trường đại học trên thế giới hiện nay, việc phấn đấu trở thành trường đại học hàng đầu thế giới là một việc làm hết sức khó khăn. Thử kể ra một vài điều kiện và năng lực thực tế sẽ thấy ngay ta đang đứng ở đâu.

Các trường đại học hiện nay thường cạnh tranh, dựa vào các tiêu chí như:
(1) số lượng giáo sư có đẳng cấp quốc tế, có các thành tích nghiên cứu khoa học tầm quốc tế như giải Nobel và Fields,
(2) số lượng bài báo quốc tế được trích dẫn thường xuyên nhất,
(3) tỷ lệ giáo sư /sinh viên, giáo sư/sinh viên nước ngoài,
(4) chương trình giảng dạy, qui trình tuyển chọn giáo viên, qui trình tuyển chọn sinh viên,
(5) tiêu chuẩn về thư viện, điều kiện cơ sở vật chất, chi phí phục vụ nghiên cứu, phục vụ giảng dạy.